KỸ THUẬT HẠ TẦNG ĐÔ THỊ

Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị
Mã xét tuyển: KTA04 - Mã ngành: 7580210
Thời gian đào tạo: 4,5 năm
Văn bằng: Kỹ sư
Tổ hợp xét tuyển năm:
- A00 (Toán, Vật lý, Hóa học)
- A01 (Toán, Vật lý, Anh văn)
- D01 (Toán, Ngữ văn, Anh văn)
- D07 (Toán, Hoá học, Anh văn) 

Phương thức xét tuyển:

  • 60% xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT(xét học bạ)
  • 40% xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT
  • Xét tuyển thẳng

Việt Nam là đất nước đang có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và vấn đề phát triển hạ tầng đô thị luôn đòi hỏi cấp thiết và cũng là vấn đề chứa đựng nhiều bức xúc chưa được giải quyết. Trong khi các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với các vấn đề về giao thông ùn tắc, úng ngập xảy ra thường xuyên, môi trường nhiễm… các đô thị nhỏ lại có những vấn đề về thu hút nguồn lực để phát triển, mâu thuẫn giữa đầu tư hạ tầng và tính hiệu quả, nhiều dự án treo, khai thác không hiệu quả.

Chính vì vậy, các Kỹ sư Kỹ thuật hạ tầng đô thị sẽ là những nhà kiến tạo, có vai trò quan trọng giải quyết các vấn đề lớn về kỹ thuật hạ tầng đô thị, góp phần vào sự phát triển nhanh hướng tới các đô thị xanh, thông minh và bền vững.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị bao gồm 8 hạng mục như: Giao thông, san nền, thoát nước, cấp nước, cấp điện… là các hệ thống khung của mỗi một đô thị nói riêng và mỗi một địa phương nói chung. Một đô thị đáng sống phải là một đô thị có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh, phát triển bền vững…

Đặc biệt, năm 2020, đứng trước thực trạng nhu cầu phát triển đô thị ngày càng gia tăng mạnh mẽ nhưng thiếu hụt nguồn kỹ sư lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng đô thị, xây dựng; Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội quyết tâm kích cầu nguồn nhân lực khan hiếm bằng hình thức bổ sung hình thức xét tuyển sinh viên đại học bằng học bạ THPT. Cụ thể, kết quả học tập của 5 học kỳ đầu ở bậc THPT sẽ được dùng ngay để xét tuyển. 

Để được ĐKXT, thí sinh phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Tổng điểm trung bình cộng 3 môn trong tổ hợp xét tuyển (ĐTBmôn 1 + ĐTBmôn 2 + ĐTBmôn 3) phải lớn hơn hoặc bằng 18,0 điểm;

- Điểm mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển thuộc học kỳ 1 lớp 11 (Đhk3), học kỳ 2 lớp 11 (Đhk4), học kỳ 1 lớp 12 (Đhk5) phải lớn hơn hoặc bằng 5,0 điểm.

Đến với Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội để trở thành một Kỹ sư Kỹ thuật hạ tầng đô thị chung sức xây dựng đất nước phát triển

Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã thiết kế Chương trình đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị (trình độ Đại học theo hướng tiếp cận CDIO) hướng tới đào tạo kỹ sư tiên tiến, hội nhập với khu vực và quốc tế. 

Chuẩn bị cho các kỹ sư trong tương lai có thể thực hành nghề một cách có trách nhiệm; cung cấp các giải pháp sáng tạo và liên quan đến các vấn đề kỹ thuật hạ tầng phức tạp; những đánh giá về đạo đức và chuyên môn nghiêm ngặt, để phát triển kỹ năng trong suốt cuộc đời nghề nghiệp và đáp ứng sáng tạo với những nhu cầu thay đổi của xã hội. 

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư Kỹ thuật hạ tầng đô thị có thể làm chủ các giải pháp thiết kế, yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy phạm… trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng đô thị; hiểu những vấn đề liên quan đến thực tiễn chuyên môn.

Những tố chất gì cần rèn luyện để trở thành Kỹ sư Kỹ thuật hạ tầng đô thị giỏi

  • Năng lực tìm tòi, tiếp cận, ứng dụng hiệu quả và sáng tạo các kỹ thuật, kỹ năng và công cụ hiện đại để giải quyết những vấn đề thực tế của kỹ thuật cơ sở hạ tầng.

  • Phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, tư duy hệ thống và tư duy phân tích, khả năng trình bày, khả năng giao tiếp và làm việc hiệu quả trong nhóm (đa ngành), hội nhập được trong môi trường quốc tế.

  • Hiểu biết về các giá trị đạo đức và nghề nghiệp, ý thức về những vấn đề đương đại, hiểu rõ vai trò của các giải pháp kỹ thuật trong bối cảnh kinh tế, môi trường, xã hội toàn cầu và trong bối cảnh riêng của đất nước.

  • Ý thức được sự cần thiết phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ, có năng lực chuyên môn và khả năng ngoại ngữ để tự học suốt đời.

Bạn sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng gì?

  • Hiểu và vận dụng được các kiến thức về ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị

  • Hiểu và vận dụng được các kiến thức về quy hoạch kỹ thuật hạ tầng đô thị (hệ thống giao thông, quy hoạch chiều cao) làm cơ sở đề xuất, phân tích, đánh giá và lựa chọn các giải pháp thiết kế hệ thống kỹ thuật hạ tầng

  • Hiểu và vận dụng được các kiến thức về thiết bị điện, hệ thống điện, cung cấp điện, tự động hóa làm cơ sở cho việc lựa chọn, các giải pháp thiết kế công trình đơn vị trong hệ thống kỹ thuật hạ tầng

  • Hiểu và vận dụng được các kiến thức về đề xuất, phân tích lựa chọn giải pháp hệ thống kỹ thuật hạ tầng

  • Hiểu và vận dụng được các kiến thức về đề xuất, phân tích lựa chọn giải pháp thiết kế từng công trình đơn vị trong kỹ thuật hạ tầng

  • Hiểu và vận dụng được các kiến thức về tính toán, thiết kế hệ thống kỹ thuật hạ tầng trong công trình xây dựng và đô thị

  • Hiểu và vận dụng được các kiến thức về quản lý, bảo dưỡng, vận hành hệ thống kỹ thuật hạ tầng, đảm bảo hiệu quả, tối ưu

  • Hiểu và vận dụng được các kiến thức về tổ chức thi công các công trình trong hệ thống kỹ thuật hạ tầng... 

Nhiều cơ hội nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên học ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị có thể đảm nhiệm công việc tại các vị trí sau:

  • Công chức, viên chức, cán bộ quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước đối với công trình Kỹ thuật hạ tầng đô thị, hạ tầng đô thị từ trung ương đến địa phương.

  • Làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công trình Kỹ thuật hạ tầng đô thị, công trình xây dựng dân dụng, giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, quản lý chất thải rắn và hệ thống điện dân dụng từ khâu lập, quản lý dự án, quy hoạch, khảo sát, thiết kế, giám sát, thi công, vận hành, khai thác, sửa chữa và khắc phục sự cố công trình...

  • Giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành về phát triển cơ sở hạ tầng…

  • Làm chủ các doanh nghiệp về tư vấn khảo sát, thiết kế, giám sát, thi công, sản xuất kinh doanh các sản phẩm về xây dựng công trình và đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng.

  • Chủ nhiệm lập dự án, chủ nhiệm và chủ trì thiết kế, quy hoạch các công trình xây dựng, công trình cơ sở hạ tầng đô thị, khu công nghiệp và nông thôn.

  • Chỉ huy trưởng thi công các công trình xây dựng, công trình cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn.

  • Kỹ sư định giá, lập tổng mức đầu tư, lập dự toán, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu các công trình xây dựng, công trình cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn.

Chúng tôi hoan nghênh và chào đón bạn trở thành thành viên H.A.U! 

Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội – Nơi kiến tạo tương lai!

PHÒNG ĐÀO TẠO

Địa chỉ: Phòng F216, F217, F218, tầng 2 nhà F, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Đường Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

Điện thoại: 024.385.423.91;

Hotline: 0982.619.900

E-mail: tuyensinh@hau.edu.vn